Năm 2008, dự kiến, Việt Nam sẽ thu hút trên 5 triệu khách quốc tế và 21 triệu khách nội địa, tổng thu nhập từ du lịch trong năm 2008 sẽ đạt 61.000 tỉ đồng.
Theo ông Hoàng Tuấn Anh, bộ trưởng bộ Văn hoá - thể thao và du lịch, ngành du lịch sẽ phải làm rất nhiều việc...
Giải pháp nào, để đạt được mục tiêu này trong năm tới thưa bộ trưởng?
Năm 2008, bộ Văn hoá thể thao và du lịch phối hợp cùng các địa phương tiếp tục tổ chức nhiều lễ hội để quảng bá cho hình ảnh Việt Nam. Cụ thể là Năm du lịch Cần Thơ với chủ đề “Miệt vườn sông nước Cửu Long”. Các lễ hội ở phía Bắc tiếp tục duy trì và tổ chức tốt hơn. Ngoài ra, còn có các cuộc thi hoa hậu, cuộc thi hoa hậu hoàn vũ do Khánh Hoà đăng cai và hoa hậu du lịch do báo du lịch tổ chức vào năm tới…
Liệu có đo được hiệu quả của những lễ hội và festival trong việc thu hút du khách?
Ở Festival hoa Đà Lạt chỉ diễn ra trong 10 ngày đã thu hút hơn 250.000 lượt khách, trong đó có hơn 40.000 khách du lịch quốc tế. Đó là con số mà chúng ta có thể đo đếm được...
Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, cơ sở lưu trú, hệ thống nhà hàng khách sạn thiếu cũng là vấn đề cần giải quyết cho ngành du lịch trong năm tới?
Hiện nay cả nước chỉ có 8.000 cơ sở lưu trú từ 1 _ 5 sao với số lượng khoảng 180.000 phòng. Trong đó, 25 khách sạn 5 sao, 60 khách sạn 4 sao, 150 khách sạn 3 sao. Với số lượng khách sạn này, chúng ta chỉ có thể đáp ứng được 5 triệu khách.
Nếu du khách đến Việt Nam đạt 7 triệu lượt khách trong những năm tới rõ ràng là nếu không đầu tư chúng ta sẽ bị quá tải chỗ lưu trú. Vì vậy, mục tiêu đến năm 2010, Việt Nam sẽ có 50 khách sạn 5 sao, 100 khách sạn 4 sao, 300 khách sạn 3 sao.
Vốn đầu tư cho dịch vụ lưu trú là không nhỏ, liệu có đạt được mục tiêu này?
Ở Đà Nẵng, từ nay đến 2010 sẽ có khoảng 3 khách sạn 5 sao. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng xây thêm 10 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao nữa. Những dự án xây dựng khách sạn này đã có nhà đầu tư đăng ký và thực hiện. Trong năm 2007, có 41 dự án đầu tư nước ngoài đầu tư vào du lịch, với 1,6 tỉ USD vốn đăng ký. Hiện nhiều dự án lên đến hàng tỉ USD đã được các nhà đầu tư đăng ký trong vòng ba năm tới mà tôi chưa thể công bố được. Vì vậy, có thể tin mục tiêu đầu tư cho chỗ lưu trú là hiện thực.
Nhà nước cũng kêu gọi cần xã hội hoá phát triển du lịch. Trong năm tới, chúng ta sẽ thực hiện việc này như thế nào?
Việc xã hội hoá phát triển du lịch thông qua phát triển du lịch cộng đồng cũng được đẩy mạnh vào năm tới. Phát triển du lịch cộng đồng sẽ góp phần xoá đói giảm nghèo. Thực tế cho thấy, từ những cù lao, sông nước, bãi bồi, vườn cây ăn trái, các doanh nghiệp có vài hecta đất cũng có thể đầu tư vào đây, mở cửa đón khách góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân.
Các doanh nghiệp lữ hành luôn than thở về việc sản phẩm du lịch nghèo nàn, việc liên kết phát triển du lịch cộng đồng ở các địa phương cũng là cách để chúng ta đa dạng hoá các sản phẩm, tour tuyến du lịch trong năm 2008.
Năm 2007, ngành du lịch đã thu hút được 4,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, khách nội địa đạt 19,5 triệu, tổng thu du lịch đạt 56.000 tỉ đồng.
Chủ trương của bộ trong năm tới, ngành du lịch phải mở rộng phạm vi liên kết giữa các tỉnh thành với nhau để nâng giá trị gia tăng cho ngành du lịch. Thiết lập các khu tam giác liên kết du lịch với mục tiêu giữ chân du khách lưu lại Việt Nam lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn. Tại sao chúng ta không thiết lập các tour về bảo tàng trên toàn quốc. Tour về nhà hát, từ hát kịch cho đến múa rối nước, nhà hát tuồng chèo, ca Huế… Để làm được điều này cần có sự liên kết chặt chẽ từ các tỉnh thành, địa phương để gắn kết từ du lịch từ văn hoá.
Giải quyết nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch như thế nào, thưa ông?
Hiện cả nước có 300.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch và 700.000 lao động gián tiếp. Chỉ có 25% số lao động này được qua đào tạo, đây cũng là vấn đề khó khăn đối với ngành du lịch. Bộ có chủ trương năm tới sẽ mở rộng phát triển các trường đào tạo nhân lực cho ngành du lịch và xã hội hoá việc đào tạo nhân lực cho ngành du lịch. Từ các trường đại học, trường trung cấp, dạy nghề cho đến các doanh nghiệp lữ hành phải tiếp tục nâng cao việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch trong thời gian tới.
Làm sao để người dân không “vô cảm” với khách du lịch, nạn chèo kéo du khách vẫn còn. Cụ thể, một du khách nước ngoài ngả xe giữa Hà Nội, nhưng người dân chỉ đứng nhìn…
Tôi cảm thấy đáng tiếc về việc này, bởi làm du lịch tốt phải huy động cả xã hội từ nhà nước, doanh nghiệp đến người dân. Cần phải quảng bá tốt hơn nữa về phát triển du lịch đối với người dân, làm cho người dân hiểu du lịch tạo lợi ích cho họ. Phải thúc đẩy người dân tự hào về vùng đất, quê hương của mình khi được du khách đến thăm. Không chỉ nhà nước đẩy mạnh tuyên truyền việc này mà ở các địa phương, tuyến điểm cụ thể phải có những quy định, chiến dịch phát động cho người dân về lợi ích của phát triển du lịch.
Theo SGTT
2 thg 1, 2008
Du lịch đem lại lợi ích cho cả cộng đồng
Nhãn: Tin Tức
Subscribe to:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 Comments:
Post a Comment