27 thg 11, 2007

Nữ hướng dẫn viên ở cực bắc

18 giờ. Nga dịu dàng mở cánh cửa Bảo tàng Hà Giang dù phải đón những vị khách đến không đúng giờ. 4 năm trước, Kiều Thanh Nga, cô gái từ “Miền gái đẹp” Tuyên Quang được Bảo tàng tuyển qua một cuộc thi năng khiếu. Lúc ấy cô mới học hết lớp 12.

Bảo tàng Hà Giang chỉ hơn 800 hiện vật, chưa đầy 30 phút khách đã ngọn ngành về lịch sử mảnh đất địa đầu cực bắc và 23 dân tộc sống ở đây. “Đây là những trang phục nguyên bản ít ỏi còn lại của dân tộc Bố Y.

Dân tộc này đang đứng trước nguy cơ suy giảm số lượng người cũng như bản sắc”. Cô hướng dẫn viên chỉ tay vào hiện vật treo trên ma-nơ-canh.

Nga lên Hà Giang cùng bố. Bảo tàng mở cửa hàng ngày vào thứ Ba, Năm, Chủ nhật, và tối thứ Ba, Năm. Nga nói: Bảo tàng chưa nhiều hiện vật, rất nhiều hiện vật đang được chúng em thống kê và sẽ đưa vào trưng bày.

Ngoài nghề hướng dẫn viên, Nga còn làm công tác sưu tập, phân loại. Cô gái 23 tuổi này cũng đang theo học khoa Bảo tàng tại Đại học Văn hóa Hà Nội.

Rời thị xã Hà Giang, trên đường về Hà Nội chúng tôi ghé xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang. Mùa mưa, nước sông Sảo gầm gào đục ngầu chảy qua căn cứ Trọng Con nằm ven sông Sảo dưới chiếc cầu mới dựng. Căn cứ này được xếp hạng di tích quốc gia năm 1996. Phần lớn dân Bằng Hành là người Tày.

Nguyễn Thị Hân, hướng dẫn viên duy nhất, cũng là người Tày. Trời nắng oi bức, cô vẫn vận bộ quần áo dân tộc mình, mồ hôi nhễ nhại nhưng nét tươi vui của cô khiến khách tham quan quên cả mệt. Hân nói: Nghe các cụ kể về phong trào cách mạng của xã Bằng Hành, em ngấm rồi thuộc luôn. Cụ của em là Nguyễn Đình Cấm cũng tham gia phong trào đấu tranh của Tiểu khu Trọng Con, và đã thành liệt sỹ.

Hân học sử ở trường cấp 3 không xuất sắc lắm, nhưng câu chuyện của ông nội và những người cùng thời ông về những ngày hoạt động cách mạng sôi nổi năm 1945 để lại cho cô ấn tượng sâu đậm.

Từ nhà Hân phải đi qua suối 2 cây số mới tới di tích Trọng Con, ngày nào cô cũng đến từ 7 giờ sáng và 1 giờ rưỡi chiều về nhà.

Có khách, cô lội suối trở lại. Hướng dẫn viên lương rất thấp, vì thế cô phải tranh thủ lên nương giúp gia đình gồm 4 anh chị em. Hân chưa học khóa bảo tàng, cô đang mong mỏi học thêm nhưng “không biết huyện có cho kinh phí không”.

Chúng tôi hỏi: “Nếu không cho, em có học không?”. “Em sẵn sàng đi học bằng tiền của mình”- Hân đáp không suy nghĩ - “sau năm 2010 khi di tích đã được tu bổ mở rộng, xây nhà sàn để khách lưu trú, em đi học cũng chưa muộn”. Năm nay cô mới 21 tuổi.

(Theo Tiền Phong )

0 Comments:

Tin Đã Đưa

Sự kiện trong ngày

 

Quay lên đầu trang
Bản quyền © 2007 thuộc về Du Lịch Xuân Hòa